TT - “Đừng bao giờ từ bỏ giấc mơ” - cô nàng có nick VanTran.Possible (tạm dịch: Với Vân, điều gì cũng có thể) chia sẻ châm ngôn sống.
Khát khao được đi, được thỏa sức trải nghiệm miễn phí những nền văn hóa đa dạng trên thế giới... hiện không còn là điều xa tầm với của bạn Trần Thanh Vân (sinh năm 1988, giảng viên khoa quan hệ quốc tế ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM).
Rỗng túi thì đã sao?
“Nhà chỉ có hai mẹ con. Do mẹ phải đi làm từ sáng đến tối nên tôi chỉ được gặp mẹ chút xíu trước khi đi ngủ, còn nấu cơm, giặt giũ thì tôi phải tự làm từ tiểu học. Thương mẹ nên tôi gắng học và tự chăm sóc bản thân mình thật tốt” - Vân nói.
Sau khi thi đậu vào Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM), Vân tham gia ban chấp hành Đoàn trường, làm phó chủ nhiệm CLB tiếng Anh, chủ nhiệm CLB Radio, thành viên đội văn nghệ trường... và tự nhận bản thân trưởng thành hơn nhiều nhờ những chương trình này.
“Tôi được bạn bè gán biệt danh “Nữ hoàng đi thi” bởi cuộc thi, chương trình nào tôi cũng góp mặt” - Vân bật cười nhớ lại.
Ước mơ trở thành nhà ngoại giao
Từ nhỏ, Vân đã có ước mơ trở thành nhà ngoại giao, được giới thiệu Việt Nam cho thế giới cũng như được đến thăm các đất nước khác nhau. Năm lớp 12, Vân quyết tâm giành học bổng du học để hiện thực hóa giấc mơ đó.
“Nhưng tôi không kiếm được học bổng toàn phần, còn học bổng 50-70% thì vẫn vượt xa khả năng của mẹ” - Vân nhớ lại. Dẫu vậy, khi vào khoa quan hệ quốc tế (ĐH KHXH&NV TP.HCM), Vân tự nhủ với lòng rằng ước mơ kia chỉ tạm thời dang dở.
“Nữ hoàng đi thi” năm nào lại tiếp tục những cuộc “chinh chiến” tại môi trường mới. Ở đâu có thi thố, ở đó Vân đều góp mặt.
“Tôi coi những cuộc thi là nơi giúp mình biết bản thân đang đứng ở đâu trong đám đông, thiếu hụt kỹ năng gì. Và dĩ nhiên, tôi cũng tham gia thi để hiện thực hóa ước mơ được khám phá thế giới mà không phải tốn tiền” - Vân giải thích.
Thi nhiều và rớt cũng rất nhiều nhưng Vân tuyệt nhiên không thấy nản. “Một người thầy của tôi từng khuyên: Làm ít sai ít, làm nhiều sai nhiều nhưng sẽ học được nhiều” - Vân chia sẻ.
Có thể nói câu nói đó đã là tiền đề cho chuỗi thành công sau này: Vân được chọn là đại diện duy nhất của Việt Nam tham gia tàu “Semester At Sea” để giao lưu văn hóa cùng 800 học sinh Hoa Kỳ vào năm 2008, đại diện Việt Nam tham gia Hội nghị thượng đỉnh thanh niên Đông Nam Á 2009 tại Thái Lan, là một trong ba đại diện thanh niên Việt Nam tại Diễn đàn kinh tế thế giới 2013 ở Trung Quốc, đại diện Việt Nam tại Hội nghị biến đổi khí hậu thế giới 2013 ở Thổ Nhĩ Kỳ...
Gần đây nhất, Vân là đại diện duy nhất của Việt Nam và là một trong 10 đại diện châu Á được nhận học bổng lãnh đạo về đổi mới và quản trị tri thức (do Quỹ khoa học quản lý Nhật Bản - Hoa Kỳ cấp), chương trình diễn ra trong bốn tháng xuyên suốt bốn quốc gia: Mỹ, Nhật, Singapore, Thái Lan.
Ngoài các khóa ngắn hạn trên, Vân cũng từng được trao học bổng toàn phần chương trình thạc sĩ quản lý tại Thụy Sĩ năm 2014.
Những trăn trở
“Tôi từng gặp một số bạn trẻ luôn tỏ ra thất vọng và chán nản khi không được đi du học. Cá nhân tôi không cho rằng đây là một thiệt thòi. Lợi thế đầu tiên là học phí ở Việt Nam rất rẻ, ngoài ra cơ hội để cải thiện ngoại ngữ, trau dồi kỹ năng sống, các học bổng ngắn hạn và dài hạn... cũng có rất nhiều ở các quốc gia đang phát triển như Việt Nam nếu chúng ta chịu khó tìm hiểu. Điều quan trọng là bạn có kiên trì theo đuổi hay không” - Vân chia sẻ quan điểm bản thân.
Hiện đang tham gia giảng dạy tại ĐH nên Vân có điều kiện tiếp xúc nhiều với giới trẻ, điều khiến Vân tâm tư nhất là rất ít bạn trẻ dám mơ lớn và kiên trì với những ước mơ đó.
“Có lẽ phần vì hoàn cảnh sống êm ấm nên họ không có động lực tạo nên sự khác biệt, phần vì họ chưa được gặp những cá nhân, câu chuyện có khả năng truyền cảm hứng cho bản thân” - Vân nói.
Chính vì vậy, trong những tiết dạy Vân luôn cố lồng ghép các câu chuyện thực tế về những tấm gương có nỗ lực phi thường, tạo được sự thay đổi đáng kể cho xã hội hay với bản thân mà Vân từng có dịp gặp, học hỏi.