TTO - Phước biển (còn gọi Chrorumchec) là lễ hội dân gian tổ chức vào ngày 15-11 (lịch Khmer, tức ngày 2, 3-4 - 14, 15-2 âm lịch) hằng năm tại ấp Đôn Chếch, xã Vĩnh Châu, huyện Vĩnh Châu, Sóc Trăng thu hút hàng vạn du khách.Lễ cúng phước biển đã tồn tại hàng trăm năm nay nhằm tạ ơn biển cả đã ban cho con người nguồn hải sản vô tận và cầu mong một mùa đi biển mới trời yên biển lặng, vạn sự bình an, đánh bắt được nhiều hải sản.
Đồng thời tưởng nhớ những người đã có công khai hoang mở cõi, tạ ơn thần biển, thần mây, thần gió và bãi bồi đã cho họ những cánh đồng phù sa màu mỡ.
Ban đầu lễ này diễn ra tự phát với quy mô nhỏ, hình thành từ ý tưởng của một nhà sư Khmer tên Tà Hu. Ông dựng ngôi tháp trên giồng cát gần chùa Cà Săng (Srei Krosang) ở làng biển xã Vĩnh Châu và làm lễ cầu siêu tưởng nhớ những người đã mất để đồng bào phật tử đến thắp hương, thành tâm chiêm bái.
Sau đó, dần dần địa điểm làm phước được nhiều người quan tâm hưởng ứng vì đáp ứng được tâm nguyện của bà con. Từ đó, lễ cúng phước biển trở thành lễ hội truyền thống của không chỉ người Khmer mà cả người Việt lẫn người Hoa sinh sống quanh vùng này.
Ông Thạch Niêu (75 tuổi, ở ấp Cà Lăng A Biển) đã có hơn 40 năm phục vụ lễ hội, nay là trưởng ban tổ chức lễ hội, cho biết lễ hội diễn ra trong hai ngày hai đêm do chùa Cà Săng chủ trì. Vào lễ, người ta rước tượng Phật từ chùa Cà Săng đến điểm làm lễ, nơi đã dựng sẵn một cái rạp dài 18m, ngang 8m.
Tiếp đến là lễ cầu siêu tưởng nhớ công ơn những người đã mất với các nghi lễ cầu nguyện tam bảo theo nghi thức Phật giáo. Sau đó thỉnh các sư sãi tụng kinh cầu quốc thái dân an và thỉnh pháp sư (Acha) thuyết pháp cho bà con.
Đêm thứ hai cũng như đêm đầu tiên nhưng đặc biệt có thêm lễ “an vị Phật”.
Sau các nghi lễ mang đậm màu sắc tôn giáo là những hội hè, giải trí. Nhiều trò chơi dân gian mang tính truyền thống của dân tộc Khmer như đua bò kéo xe, đẩy xiệp, thi lượm củ hành, đặc biệt là đua ghe ngo trên cạn.
Ghe ngo bằng một cái vòng làm bằng bẹ chuối dài chừng 2m, cứ 2 người một ghe. Một người có dây gióng mang lên cổ, người kia cầm cây dằm bằng cọng tàu lá chuối, vừa chèo khắp thửa ruộng theo lộ trình tùy hứng, vừa múa vừa hát nói theo lời cầu khấn nối tiếp câu nọ đến câu kia.
Nội dung các câu đó là cầu mong ông trời cho mưa xuống để ruộng đồng, cây cối tốt tươi.
Trong những ngày lễ, phòng thông tin - văn hóa góp phần vào việc tổ chức với các chương trình văn nghệ giúp vui, biểu diễn các điệu múa uyển chuyển, điêu luyện của các cô gái Khmer, có cả những vũ điệu cổ truyền như múa gà, múa khỉ của các nghệ nhân.
Ngoài ra, còn có liên hoan hòa tấu nhạc ngũ âm (phleang pinh peath), hội thi giọng hát hay, thi đấu bóng đá, bóng chuyền, bi sắt, kéo co, thả diều, nhảy bao, đẩy gậy. Không khí lễ hội thật tưng bừng, náo nhiệt, thu hút hơn 10.000 người đến tham dự.
Lễ hội phước biển Vĩnh Châu chỉ diễn ra trong hai ngày nhưng từ lâu đã trở thành loại hình sinh hoạt văn hóa cộng đồng thỏa mãn nhu cầu của nhân dân, là một sân chơi giải trí lành mạnh của dân làng địa phương.
Qua đó, tình đoàn kết giữa ba dân tộc anh em Kinh - Khmer - Hoa đang sống trong vùng đất xứ biển này ngày càng thắt chặt..